Đánh giá Samsung Galaxy S22 Plus: Tìm kiếm sự an toàn
Chiếc smartphone gây được ấn tượng mạnh nhất đối với tôi từ Samsung hay bất cứ một hãng nào khác chắc chắn sẽ là Galaxy S10. Trong sinh nhật lần thứ 10 của dòng Galaxy S, hãng tung video giới thiệu sản phẩm mới rất hoành tráng, cho ta thấy được sự tiến hóa của dòng sản phẩm này để tạo nên một S10 đỉnh cao công nghệ của năm đó.
Samsung Galaxy S10 - Unveiling
Tôi ấn tượng với sản phẩm này đến mức lần đầu tiên trong đời bỏ số tiền hơn 10 triệu Đồng để mua chiếc S10 Plus và sử dụng trong suốt 3 năm nay. Mặc dù đến với 2022 máy đã xuất hiện những dấu hiệu của sự "lão hóa" nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng, không có phàn nàn gì lớn.
Nhưng sau S10, những sản phẩm Galaxy S sau đó không gợi được sự hào hứng trong tôi. Phiên bản Galaxy S20 có thiết kế khá nhàm chán, bắt đầu loại bỏ cổng 3,5mm - một xu hướng đến giờ tôi đến giờ vẫn không thể chấp nhận được hoàn toàn. Đến với Galaxy S21, máy có những nâng cấp về ngoại hình và phần cứng nhưng vì lý do nào đó lại chuyển sang dùng nhựa cho mặt lưng, phiên bản Ultra thì lại quá lớn và có những tính năng tôi sử dụng rất ít. Sự chờ đợi lại tiếp diễn.
"Quá tam ba bận", phiên bản thứ 3 sau S10 Plus là Galaxy S22 Plus có chứa đủ lý do để tôi bỏ tiền ra nâng cấp chưa?
Đánh giá về sự thay đổi của Galaxy S22 Plus là một điều rất dễ dàng, vì đây không phải là một phiên bản có những nâng cấp mang tính "đột phá", tạo nên sự khác biệt hoàn toàn so với S21 Plus năm ngoái.
Tuy vậy, tất cả nâng cấp của S22 Plus đều là những điều mà người dùng muốn, nếu muốn nói một cách nghiêm khắc hơn thì là những thứ "đáng ra Galaxy S21 Plus năm ngoái phải sở hữu".
Thiết kế bên ngoài không có mấy sự khác biệt, nếu liếc qua thì có lẽ bạn sẽ chả biết đây là smartphone 2021 hay 2022 nữa. Nhưng việc thay đổi về vật liệu mặt lưng từ nhựa để trở lại với kính khẳng định được rằng Galaxy S là dòng máy cao cấp, xứng đáng với số tiền mà người dùng bỏ ra.
Việc Samsung sử dụng nhựa trong năm ngoái là một quyết định làm tôi cảm thấy khó hiểu. Dù nhựa có những lợi thế về độ bền đi chăng nữa, tôi vẫn muốn chiếc smartphone mà người dùng bỏ cả chục triệu Đồng ra phải có vật liệu "sang" nhất, có những sự khác biệt so với dòng Galaxy A hay M.
Tuy vậy trên thực tế ta có một sự "cải lùi", khi mà những cạnh viền được làm phẳng hơn và bớt có sự liền mạch với 2 mặt kính trước và sau. Điều này khiến cho mặt bên của Galaxy S22 Plus sắc hơn so với phiên bản trước, cho cảm giác cấn vào tay người dùng hơn đặc biệt khi cầm theo hướng dọc.
Ngôn ngữ thiết kế góc cạnh hơn của S22 Plus còn có thể thấy được ở cụm camera. Vẫn có một cụm camera đặt liền với khung máy, song S22 Plus đã loại bỏ đi đường nét mềm mại của S21/S21 Plus. Liệu rằng đây là một "hiệu ứng phụ" của việc hãng sử dụng vật liệu mới (nhôm gia cố - Armor Aluminum) khó cắt tỉa hơn kim loại cũ hay chủ đích thiết kế của Samsung, điều này ta không biết được.
Màn hình cũng đã có sự thay đổi nhỏ, với kích thước giảm đi 0.1 inch (từ 6.7 inch xuống còn 6.6 inch), độ sáng cao nhất tăng từ 1300 nits lên 1750 nits, các thông số khác như độ phân giải FullHD+, tần số làm tươi thay đổi từ 48 - 120Hz và chuẩn HDR10+ vẫn không thay đổi. Về mặt thiết kế, phần cạnh dưới màn hình đã được làm mỏng đi một chút để bằng với 2 cạnh bên và cạnh trên, tạo nên sự cân xứng cao hơn so với phiên bản trước.
Tất cả những thay đổi bên ngoài này đều được một người bạn của tôi gọi là "tiểu tiết". Cũng đúng mà thôi, trên sử dụng thực tế ít ai sẽ để ý đến chúng, màn hình sáng hơn sẽ chỉ hữu hiệu khi bạn dùng máy trực tiếp dưới ánh Mặt trời, vấn đề cạnh viền bị cấn có thể giải quyết bằng một chiếc ốp lưng - thứ mà đa phần mọi người mua máy cũng sẽ sắm thêm.
Những thay đổi đáng để tâm hơn của Galaxy S22 Plus nằm ở cấu hình phần cứng, bắt đầu từ hệ thống camera. Năm ngoái, Samsung đã có một lựa chọn hơi khó hiểu là trang bị cho Galaxy S21 Plus camera chính chỉ 12MP nhưng camera zoom lên tới 64MP với ống kính chỉ 1.1x và phải zoom điện tử. Không rõ hãng làm điều này để làm gì khi việc trang bị ống kính 3x là chuyện rất dễ làm.
S22 Plus đã "trở về với sự bình thường" khi camera chính có độ phân giải cao nhất (50MP), camera zoom quang học 3x 10MP và siêu rộng 12MP 0.6x. Khi chụp tự động, camera chính sẽ thực hiện gộp 4 điểm ảnh thành 1 và cho hình ảnh 12MP giống với thế hệ trước, nhưng nếu cần ta có thể chuyển sang ảnh độ phân giải cao để nhận thêm độ nét.
Khả năng zoom tất nhiên vẫn không phải là thế mạnh của S22 Plus, đặc biệt là khi đặt cạnh một sản phẩm đã quá mạnh mẽ cho vấn đề này là S22 Ultra. Ảnh zoom từ khoảng 3x - 10x nhìn chung vẫn có đủ độ nét để sử dụng trên web, những ngưỡng sau đó thì ảnh bỗng nhìn giống tranh sơn dầu, không còn đẹp nữa. Ở ngưỡng zoom xa, máy cũng hỗ trợ chống rung tốt giống dòng Ultra để tránh hiện tượng rung làm mờ ảnh.
Việc chuyển camera chính là loại độ phân giải cao còn đem lại lợi ích khi quay video, đó là việc khi quay 8K sẽ không có sự thay đổi về tiêu cự. Như phiên bản S21 Plus, khi cần quay 8K máy sẽ tự động chuyển sang camera 3x khiến việc căn chỉnh góc bị sai lệch so với khi quay 4K.
Điểm mà những dòng máy Galaxy S trong những năm gần đây nói chung và S22 Plus nói riêng làm rất tốt là thuật toán xóa phông. Khả năng cắt chủ thể (cả người lẫn đồ vật) đều có độ chính xác cao, chi tiết nhỏ như tóc hay gọng kính đều được máy nhận diện để không xóa đi cùng với nền. Bên cạnh công tác làm mờ nên được máy làm tốt, tạo ra chiều sâu nhìn rất tiệm cận với máy ảnh.
Hãng dành nhiều thời gian để nói về khả năng chụp đêm của máy, thậm chí còn đặt cho tính năng này một cái tên mới là "Nightography". Sử dụng trên thực tế, những thay đổi không phải là vượt trội so với những thế hệ trước. Qua từng năm, Samsung đã chỉnh thuật toán chụp đêm để việc tạo ra những bức ảnh nhìn giống với thực tế hơn là cố gắng làm tất cả mọi thứ sáng trưng lên.
Hệ thống camera của máy không phải là hoàn hảo, bên cạnh việc không thể zoom xa như S22 Ultra thì S22 Plus còn thiếu đi khả năng lấy nét lại của camera siêu rộng. Điều này đồng nghĩa với việc máy không thể chụp macro với loại camera này, người dùng sẽ cần phải chuyển qua camera zoom 3x.
Với việc chụp hoa, lá thì đây không phải là vấn đề gì quá lớn cả. Thậm chí chụp macro với camera zoom còn tạo hiệu ứng xóa phông tự nhiên và cho ra ảnh đẹp hơn.
Ngược lại trong một số trường hợp cần phải chụp cận cảnh với khung hình rộng hơn thì S22 Plus lại không làm được. Trong bức hình trên tôi muốn chụp một ô cửa kính bị vỡ và lấy nét vào những vết nứt chứ không phải phông nền phía sau, phải dùng tới S22 Ultra mới làm được điều này.
Thay đổi lớn nhất của dòng máy này nằm ở cấu hình xử lý "ẩn sâu" bên trong. Nghe theo lời "thỉnh cầu" của người dùng Việt trong suốt một thời gian dài, Samsung cuối cùng cũng trang bị vi xử lý Snapdragon trên Galaxy S, cụ thể ở phiên bản này là Snapdragon 8 gen 1.
Với các bài thử benchmark, Snapdragon 8 gen 1 cho điểm số cao hơn so với Exynos 2100, vượt trội nhất là điểm GPU trong bài thử Antutu 3D và 3D Mark Wild Life Extreme, sự khác biệt thậm chí có thể lên tới 66%!
Thế nhưng, có một vấn đề rất nan giải của chip Snapdragon 8 gen 1 làm đau đầu cả người dùng lẫn cả những hãng sản xuất smartphone: nhiệt độ. Samsung đã phải trang bị một hệ thống tản nhiệt mới dành cho Galaxy S22 series với gel tản nhiệt và cả một loại vật liệu mới có tên là Nano-TIM. Sử dụng trên thực tế thì sao?
Đầu tiên, thông qua điểm số của Antutu ta có thể thấy được rằng Samsung đã chỉnh xung nhịp của Snapdragon 8 gen 1 để nó không chạy hết mức như các sản phẩm khác. Con chip này trên dòng Mi 12 Pro có thể đạt ngưỡng 970 nghìn thậm chí trên 1 triệu điểm, nhưng theo đánh giá của các reviewer là có thể chạm ngưỡng nhiệt 44 độ C, hiện cả thông báo quá nhiệt lên màn hình.
Cảm biến theo dõi của S22 Plus ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 36.2 độ C, thấp hơn đáng kể so với Mi 12 Pro. Tuy vậy phải nói rằng điều kiện thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả , hiện tại Hà Nội đang khá lạnh nên nếu như thử nghiệm trong mua hè thì kết quả nhiệt sẽ cao hơn.
Thử với 3DMark Wild Life Extreme Stress Test, S22 Plus có độ giảm về hiệu năng đồng đều theo thời gian, không có những lần bị "tụt" điểm thất thường. Lần chạy thứ 20 máy có hiệu năng chỉ đạt 62.6% so với lần đầu, nhưng nhiệt độ được kiểm soát ở mức 42 độ C, chưa đạt ngưỡng quá nóng.
Đối với những game trước đây được coi là "nặng" và tôi thường dùng để thử hiệu năng của smartphone như Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc chiến đều đã không còn là vấn đề với những vi xử lý đầu bảng nữa. Với Liên Quân, tôi có thể đặt mức đồ họa cao nhất, chơi 2 - 3 trận liên tiếp mà mức FPS vẫn giữ nguyên ở 60.
Tựa game mà Snapdragon 8 gen 1 gặp vấn đề là Genshin Impact, một game Thế giới mở với đồ họa 3D, chiếu sáng rất phức tạp. Trong lần đầu thử nghiệm, tôi đã quá tự tin và đặt cấu hình của game này tới mức cao nhất, mặc dù game hiện lên một màn hình cảnh báo không nên làm điều này.
Và đúng là kết quả không mấy khả quan, khi mà game có hiện tượng nhảy FPS lên xuống thất thường. Ở những khung cảnh đơn giản game không giữ vững được mức 60 FPS, và thường chỉ dừng lại ở ngưỡng 50 mà thôi. Sau 10 phút, nhiệt độ trên CPU báo đạt ngưỡng 49 độ và mặt lưng máy cũng cho cảm giác khó chịu khi chạm vào.
Trong lần thử thứ 2 tôi chuyển mức đồ họa xuống trung bình với một thay đổi duy nhất là thay đổi chế độ 30 FPS lên thành 60 FPS. Lần này máy chạy ổn định hơn, thường giữ vững ở mức 50 FPS và tránh được hiện tượng lên xuống bất ngờ. Mức nhiệt vẫn không phải là thấp, khoảng từ 47 - 48 độ C nên tôi cũng chỉ thường chơi tựa game này trong 15 - 20 phút rồi nghỉ.
Theo đánh giá của Youtuber Dave2D, Snapdragon 8 gen 1 có hiệu suất không cao khi hoạt động hết công suất, nên những bài thử benchmark nặng hay Genshin Impact thì sẽ tiêu hao năng lượng nhiều và tỏa nhiệt lớn. Ngược lại với các tác vụ thông thường hay game nhẹ hơn (đa phần game hiện nay đều nhẹ hơn Genshin Impact!) thì sẽ cho hiệu năng cao và tiết kiệm pin hơn so với Snapdragon 888.
Những ai cảm thấy "mê" Genshin Impact, lời khuyên của tôi là nên đặt game ở mức đồ họa trung bình hoặc thậm chí thấp hơn 1 bậc nữa; thường xuyên theo dõi nếu máy quá nóng ở mặt lưng thì nên nghỉ và đợi chơi tiếp sau.
Một lo lắng khác của người dùng về S22 Plus đó là vấn đề pin, máy đã có dung lượng pin giảm 300 mAh so với S21 Plus (từ 4.800 mAh chỉ còn 4.500 mAh, bằng với S10 Plus, S20 Plus). Chắc chắn hãng đã phải tiết kiệm diện tích bên trong máy để trang bị hệ thống tản nhiệt lớn hơn so với phiên bản cũ nên pin đã phải nhỏ đi một chút.
Trong hơn 1 ngày sử dụng với 6 tiếng screen-on và khoảng 20 tiếng screen-off, máy tốn 25% để chơi video Youtube trong 3 tiếng rưỡi, 10% cho 42 phút Genshin Impact, 10% nữa cho 1 tiếng chơi Liên Quân Mobile và 11% cho tính năng đồng hồ luôn hiện. Thời lượng này không phải ấn tượng nhưng vẫn cho cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Tôi cảm thấy lo hơn cho phiên bản S22 thường, có viên pin nhỏ chỉ 3.700 mAh mà phải "gánh" vi xử lý và màn hình chất lượng cao giống như S22 Plus và S22 Ultra. Tiếc là tôi không có phiên bản đó để đánh giá thực tế.
Như đã nói, S22 Plus và cả Galaxy S22 không phải là những chiếc smartphone quá nổi bật, gây được sự chú ý của người dùng. Thậm chí nếu không phải là game thủ với nhu cầu cấu hình cao hơn phiên bản trước và chấp nhận được mặt lưng bằng nhựa, bạn cũng có rất ít những lý do để nâng cấp từ S21 series.
Nhưng liệu rằng việc những chiếc máy này là các nâng cấp nhỏ chính là chủ ý của Samsung để nhường "spotlight" cho Galaxy S22 Ultra. Phiên bản cao cấp nhất này bên cạnh việc thiết kế chả giống bất cứ một chiếc máy S nào, lại được cho là "truyền nhân" của dòng Note được mọi người yêu quý đã bị khai tử từ 2020.
Hãng cũng để dành những công nghệ mạnh mẽ nhất của mình cho S22 Ultra như bút S-Pen, màn hình lớn độ sáng cao và có dải tần số làm tươi rộng hơn, hệ thống camera mạnh mẽ với 108MP, zoom 100x... Tất cả tạo nên một chiếc máy có nhiều thứ để nói , có nhiều những tính năng để "giật tít" so với bộ đôi đang phải đứng dưới cái bóng khá lớn của nó.
Về phần mình, tôi xác định sẽ không đầu tư S22 Ultra vì kích thước tay và "độ dày ví" không phù hợp với sản phẩm này, nên nhắm nhiều hơn tới phiên bản Plus. Phải thừa nhận rằng Galaxy S22 Plus vẫn không gợi lại được những cảm xúc khi dòng S10 ra mắt.
Tuy vậy như đã đánh giá dòng máy này là nâng cấp đi về đúng hướng, "gạch" đi những điểm "lạ lùng" trên Galaxy S21 Plus của năm ngoái. Nó cho tôi nhiều lý do để nâng cấp hơn so với 2 phiên bản trước đó, một sản phẩm mang đậm tính an toàn nhưng toàn diện hơn.
Nhiều reviewer đã đưa ra đánh giá rằng Samsung Galaxy S hiện nay đã trở thành dòng Android cao cấp mang tính "mặc định", mọi người thường hướng tới nếu đã xác định không mua iPhone. Để giữ vững danh hiệu đó có lẽ Samsung không muốn thử nghiệm những thứ quá khác biệt, nhiệm vụ này đã có Z Flip, Z Fold và các sản phẩm của hãng khác lo!
Post a Comment