Asus vừa ra mắt điện thoại chơi game ROG Phone 3 đầy ấn tượng, nhưng đây là lý do tại sao bạn vẫn nên mua iPhone mà dùng
ROG Phone 3 đang được ca ngợi là nhà vô địch mới về thông số kỹ thuật cho smartphone chơi game, khi được nhà sản xuất Asus công bố hôm qua. Và nếu nhìn qua, nó trông ấn tượng hơn bất kỳ thứ gì khác đang tồn tại trên thị trường hoặc bất cứ chiếc smartphone chơi game nào được lên kế hoạch cho phần còn lại của năm.
Đầu tiên, ROG Phone 3 là một trong những thiết bị đầu tiên sở hữu bộ xử lý Snapdragon 865 Plus, con chip hoàn toàn mới của Qualcomm cung cấp một tốc độ xung nhịp cao hơn so với Snapdragon 865, con chip tiêu chuẩn dự kiến sẽ có trong hầu hết các flagship năm 2020. Cụ thể, phiên bản "Plus" có xung nhịp cao hơn 10% so với tiêu chuẩn, có nghĩa là tốc độ CPU lên tới 3,1 GHz và GPU chạy ở mức 660 MHz. Chip mới của Qualcomm dù vẫn hụt hơi khi so sánh với Apple A13 Bionic, nhưng đây ít nhất sẽ là điện thoại Android nhanh nhất ở hiện tại.
Màn hình 6,59 inch, 2340 × 1080 tần số quét 144Hz, khiến nó trở thành một trong những màn hình có tần số quét nhanh nhất từng được trang bị cho điện thoại thông minh (màn hình 144Hz đầu tiên là Nubia Red Magic 5G). Bộ nhớ của máy là RAM 8/12/16GB LPDDR5, ROM 128/256/512GB UFS 3.1 (tùy phiên bản). Ngoài ra nó còn có một viên pin 6000mAh khổng lồ.
Samsung trước đây là nhà sản xuất nổi tiếng với phong cách cấu hình "more is more" (nhiều hơn nữa), nhưng Asus đã vượt mặt Samsung với ROG Phone. Nhờ vào một bộ xử lý nhanh hơn, màn hình ấn tượng hơn, pin lớn hơn khi so sánh với Samsung Galaxy S20 Ultra và thậm chí nó còn đánh bại các thông số kỹ thuật được đồn đại trên Galaxy Note 20 Ultra sắp tới.
Nhưng tại sao nếu được lựa chọn smartphone để chơi game, bạn vẫn nên cân nhắc một chiếc iPhone hơn?
Cách tiếp thị của Asus tập trung vào các chi tiết thông số kỹ thuật hiển thị và màn hình, liệt kê nhiều lần dưới dạng "144Hz / 1ms AMOLED". Một phần nghìn giây nghe có vẻ tuyệt vời đối với những người quen thuộc với thời gian phản hồi chậm chạp trên màn hình LCD, nhưng 1ms về cơ bản là khá "bình thường" đối với màn hình OLED. Thời gian phản hồi là mối quan tâm lớn nếu bạn sử dụng màn hình LCD, bởi khi đó các tinh thể lỏng phải xoắn và tháo xoắn để kiểm soát ánh sáng từ một nguồn sáng lớn duy nhất phía sau bảng điều khiển. Quá trình này mất vài mili giây và nếu quá chậm, nó sẽ gây ra hiện tượng "bóng mờ" hoặc làm mờ hình ảnh. Tấm nền OLED có thiết kế đơn giản hơn nhiều, khi đưa điện áp vào vật liệu tạo ra ánh sáng. Và vì không có gì phải di chuyển và mỗi pixel là nguồn sáng riêng của chính nó, thời gian đáp ứng của tấm nền OLED không thực sự đáng lo ngại nữa.
Một thông số hiển thị khác cũng được Asus nhắc tới nhiều lần, nhưng không có nhiều ý nghĩa là "độ nhạy cảm ứng 25 mili giây hàng đầu trong ngành", với tần số cảm ứng 270Hz. Độ nhạy cảm ứng là cách màn hình phản ứng nhanh và theo kịp chuyển động ngón tay của bạn. Hiện vẫn không rõ liệu khái niệm "dẫn đầu ngành" của Asus có phải là "thuật ngữ riêng" của công ty hay không, nhưng Apple Pencil trên iPad từ lâu đã nổi tiếng với độ nhạy cảm ứng 9ms. Dẫu sao, đối với một chiếc điện thoại Android, 25ms vẫn là khá tốt.
ROG Phone 3 có camera chính 64 MP ở phía sau, cùng với camera góc rộng 13 MP và camera macro 5 MP. Ngoài ra nó còn có camera trước 24 MP, tính năng NFC, loa âm thanh nổi, cảm biến vân tay trên màn hình, Android 10 và giắc cắm tai nghe. Giống như phiên bản điện thoại ROG trước đây, nó cũng có hai cổng USB-C, với một cổng phụ để hỗ trợ các phụ kiện chơi game khác nhau như quạt hay bộ điều khiển. Ngoài ra còn có các nút cảm ứng gắn hai bên vai, rất phù hợp cho các trò chơi hỗ trợ chúng.
Nhưng một điều đáng thất vọng là chiếc điện thoại này không hỗ trợ chuẩn "Wi-Fi 6E" mới. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì hầu hết người dùng sẽ muốn chơi game bằng Wi-Fi chứ không phải $G hay 5G (nếu có). Chuẩn 6E thêm băng tần 6GHz vào băng tần Wi-Fi 2.4 và 5GHz hiện có, điều này sẽ giúp tăng đáng kể lượng lưu lượng truy cập đồng thời mà Wi-Fi có thể xử lý. Đối với các khu vực đông người như các tòa nhà chung cư, nơi các dải băng tần 2,4 và 5GHz rất dễ bị bão hòa, trải nghiệm chơi game sẽ giảm. Và nếu may mắn hơn, bạn đang ở nơi có điểm truy cập hỗ trợ 6GHz và trên tay là một thiết bị 6GHz, bạn sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ phổ băng tần này.
Snapdragon 865 Plus là chip Qualcomm đầu tiên hỗ trợ Wi-Fi 6E và ROG Phone 3 có 865 Plus, nhưng rõ ràng Asus đã để ý tới việc kích hoạt Wi-Fi 6E trên ROG 3. Một vấn đề khác là chiếc điện thoại này cũng không hỗ trợ sạc không dây và không chống nước.
ASUS ROG Phone 3 sẽ được bán ra tại thị trường châu Âu trong thời gian tới với mức giá 799 EUR, tương đương 21.4 triệu đồng cho phiên bản 8GB/128GB; 999 EUR/1099 EUR, tương đương 27 triệu và 29.5 triệu cho phiên bản RAM 12GB và 16GB tương ứng.
Đây là một mức giá khá cao, thậm chí ngang tầm với một dàn máy PC cấu hình ổn. Tất nhiên, với một game thủ PC, dù ở trong hệ sinh thái ROG, họ cũng sẽ không hào hứng nhiều lắm với các trò chơi di động. Còn với người dùng thông thường, nói một cách công bằng, thì iPhone là một chiếc điện thoại chơi game tốt hơn nhiều, nhờ thư viện trò chơi lớn hơn và việc Apple đã "tiêu chuẩn hóa" phần cứng cho nó giống như máy chơi game console, giúp các game di động hoạt động trên iPhone ổn định hơn đáng kể.
Và cuối cùng, để gây nhầm lẫn hơn nữa cho toàn bộ ý tưởng về một chiếc "điện thoại cho game thủ", Asus tặng kèm người mua bản dùng thử ba tháng của Google Stadia. Và vì đây là một nền tảng chơi game dựa trên điện toán đám mây, nên nó sẽ không yêu cầu phần cứng siêu cao cấp như của ROG Phone 3, và cũng sẽ không hỗ trợ game với tần số quét 144Hz.
Tham khảo arstechnica
Post a Comment