Đánh giá Vsmart Joy 2+: Một điểm cộng cực lớn và một điểm trừ cực lớn
Vsmart Joy 2+ (Joy 2 Plus) là smartphone thuộc phân khúc giá rẻ của Vingroup với mức giá 3 triệu đồng. Với mức giá như vậy, người dùng không có quyền đòi hỏi quá nhiều: họ không thể đòi hỏi một chiếc máy 3 triệu đồng vừa có màn hình đẹp, vừa có hiệu năng tốt, vừa có camera "ngon" hay vừa có thời lượng pin khủng.
Vsmart Joy 2+
Thay vì cố gắng làm tốt tất cả mọi thứ, các nhà sản xuất thường chỉ tập trung vào một vài khía cạnh nhất định mà họ cho rằng là cần thiết trên smartphone giá rẻ của mình, và bỏ mặc những khía cạnh còn lại. Một số nhà sản xuất sẽ tập trung cho cấu hình, một số lựa chọn camera, một số khác lại là thiết kế... nhưng, điểm chung của tất cả các sản phẩm giá rẻ là chúng đều tồn tại một hay nhiều hạn chế riêng, và điều quan trọng là liệu người dùng có chấp nhận được những hạn chế đó hay không.
Vậy, điểm mạnh và điểm yếu của Joy 2+ là gì?
Những đặc điểm thường thấy của điện thoại giá rẻ
Joy 2+ được làm hoàn toàn bằng nhựa - chất liệu quen thuộc trên những chiếc smartphone giá rẻ. Tuy nhiên, Vsmart vẫn cố gắng đem đến cho Joy 2+ một vẻ "long lanh" nhất định với hiệu ứng màu sắc gradient. Một điều khá đáng tiếc là Joy 2+ lại không có những màu sắc "trung tính" như đen hay trắng, và tất cả ba màu của Joy 2+ đều mang tính loè loẹt và phô trương - có lẽ nó chỉ phù hợp với đối tượng người dùng trẻ tuổi. Nhưng, khó có thể đòi hỏi gì thêm do Joy 2+ là một chiếc máy chỉ 3 triệu đồng.
Vỏ ngoài Joy 2+ được làm bằng nhựa với mặt lưng màu gradient, phù hợp với đối tượng người dùng trẻ tuổi
Giá rẻ, vậy nên Joy 2+ có cấu hình mạnh. Con chip Snapdragon 450 bên trong Joy 2+ cho hiệu năng ở mức dưới trung bình, kết hợp với dung lượng RAM 2GB khiêm tốn khiến cho trải nghiệm sử dụng máy không thật sự mượt mà, khả năng đa nhiệm kém do ứng dụng phải load lại thường xuyên. Nhưng, khó có thể đòi hỏi gì thêm do Joy 2+ là một chiếc máy chỉ 3 triệu đồng.
Với chip Snapdragon 450 và RAM 2GB, cấu hình không phải điểm mạnh của Joy 2+
Joy 2+ sở hữu hệ thống camera kép. Với việc các sản phẩm khác trong phân khúc chỉ là camera đơn, rõ ràng việc trang bị cho Joy 2+ camera kép là một nỗ lực của Vsmart. Nhưng, thực tế thì camera thứ hai của Joy 2+ khá vô dụng khi nó chỉ có thể đo khoảng cách phục vụ cho tính năng chụp ảnh xoá phông, chứ không phải camera zoom hay góc siêu rộng. Và, kể cả khi có sự trợ giúp của camera thứ hai, chất lượng ảnh xoá phông của Joy 2+ vẫn không có gì vượt trội và toát lên vẻ "giả tạo".
Camera phụ thứ hai không giúp ích gì nhiều cho tính năng chụp ảnh xoá phông của Joy 2+ khi ảnh cho ra vẫn rất lem nhem.
99% những bức ảnh mà người dùng chụp với Joy 2+ sẽ không phải ở chế độ xoá phông mà là ở chế độ chụp ảnh thông thường, và ở chế độ này thì camera thứ hai không giúp ích gì trong việc cải thiện chất lượng. Và đúng như kỳ vọng, ảnh mà Vsmart Joy 2+ chỉ dừng lại ở mức "chống cháy" chứ khó có thể làm hài lòng bất kỳ ai. Nhưng, khó có thể đòi hỏi gì thêm do Joy 2+ là một chiếc máy chỉ 3 triệu đồng.
Điểm cộng cực lớn của Vsmart Joy 2+
Lúc này, bạn sẽ đặt ra câu hỏi: "Cái gì của Joy 2+ cũng "xoàng", vậy đâu là lý do để mua nó?" Câu trả lời gói gọn trong ba từ: Pin, pin và pin.
Joy 2+ sở hữu viên pin với dung lượng rất lớn là 4500mAh. Khi kết hợp với một con chip không ngốn quá nhiều năng lượng và một màn hình độ phân giải thấp, không ngạc nhiên khi thấy Joy 2+ cho thời lượng pin rất tốt. Qua thử nghiệm, chúng tôi đạt được thời lượng screen-on lên đến gần 8 tiếng khi sử dụng hỗn hợp các tác vụ, trong đó bao gồm hai tựa game tương đối nặng là PUBG Mobile và Asphalt 8, kèm theo giải trí nhẹ nhàng với video Youtube.
Sử dụng Vsmart Joy 2+ để chơi game nặng như Asphalt 9, PUBG Mobile và xem video Youtube nhưng máy vẫn đạt thời gian on-screen tới gần 8 tiếng và vẫn còn 15%.
Bên cạnh thời lượng sử dụng, một điểm mạnh nữa không thể bỏ qua về pin của Joy 2+ là chiếc máy này hỗ trợ sạc nhanh qua cổng USB-C, và củ sạc nhanh được Vsmart tặng kèm bên trong hộp. Đa số những sản phẩm cùng cấp không được tặng kèm sạc nhanh và/hoặc sử dụng cổng Micro USB cũ kỹ. Đây là một điểm rất đáng khen ngợi.
Cổng USB-C là một điểm cộng lớn của Joy 2+
Joy 2+ được tặng kèm sạc nhanh - một trang bị rất hiếm gặp ở các sản phẩm giá rẻ
Với thế mạnh về pin, Vsmart Joy 2+ sẽ rất phù hợp đối với những người có nhu cầu sử dụng điện thoại với cường độ cao và thường xa rời ổ cắm điện. Đó có thể là những tài xế công nghệ, những người công nhân làm việc ngoài trời hay những người cần một chiếc máy phụ để nghe gọi và phát hotspot 4G.
Điểm trừ cực lớn của Vsmart Joy 2+
Như đã nói ở trên, ngoại trừ pin, tất cả mọi yếu tố của Joy 2+ đều không tỏ ra quá nổi bật so với những sản phẩm khác trong cùng phân khúc. Thế nhưng, có một yếu tố mà Joy 2+ thua kém: đó là màn hình.
Hãy nói về thông số của màn hình này trước. Nó có kích thước 6.2 inch, độ phân giải HD+ và công nghệ IPS LCD. Một vài nhược điểm dễ thấy của màn hình này là nó có viền dày, màu sắc hiển thị không tươi tắn, độ sáng tối đa không cao. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm thường thấy của tất cả những mẫu smartphone giá rẻ. Một lần nữa cần phải nhắc lại: khó có thể đòi hỏi gì thêm do Joy 2+ là một chiếc máy chỉ 3 triệu đồng.
Màn hình
Vấn đề thực sự của màn hình Joy 2+ lại không nằm trong thông số, mà nó lại nằm ở trải nghiệm. Màn hình của Joy 2+ gặp tình trạng ghosting (bóng ma), có thể thấy ở các hiệu ứng chuyển cảnh của hệ thống hay khi người dùng thực hiện thao tác cuộn.
Trong thử nghiệm của chúng tôi, khi so sánh cuộn trang web giữa Joy 2+ với iPhone 6s, nếu như ký tự xuất hiện trên màn hình của iPhone 6s vẫn có thể đọc được ở mức tương đối thì Joy 2+ bị mờ đi rất nhiều.
Hai tác vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất là lướt mạng xã hội và lướt web/đọc báo, khi người dùng thường cuộn nhanh để đọc khái quát nội dung. Với Vsmart Joy 2+, để làm được điều này là rất khó do tình trạng ghosting khiến chữ bị mờ đi.Thậm chí, sau một thời gian sử dụng, tôi còn cảm thấy hơi mỏi mắt và thậm chí là còn hơi "loáng choáng".
Nếu như bạn đang có ý định sở hữu Joy 2+, chúng tôi khuyến cáo bạn nên dành ra ít nhất 15 phút thử sử dụng chiếc máy này ở showroom và xem bạn có thể "chịu nổi" màn hình của chiếc máy này không - trước khi đưa ra quyết định mua sắm.
Vsmart Joy 2+ có đáng mua không?
Màn hình là thứ mà tôi cho rằng ảnh hưởng nhiều nhất đến trải nghiệm của Joy 2+. Như đã nói ở trên, do màn hình của Joy 2+ tạo cho tôi cảm giác rất khó chịu, vậy nên nó không phải là sản phẩm phù hợp đối với tôi. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc Joy 2+ là một chiếc máy tệ và bạn không nên mua nó.
Đối với một số người, họ có thể sẽ không nhìn ra được vấn đề về màn hình của Joy 2+, hoặc nếu có thì họ có thể cũng sẽ không coi đây là vấn đề to tát. Đối với một số người khác, họ đặt ưu tiên về pin lên trên hết và sẵn sàng "hy sinh" những khía cạnh còn lại. Đây là những đối tượng người dùng nên mua Joy 2+. Như đã nói ở đầu bài: tất cả mọi sản phẩm giá rẻ đều tồn tại hạn chế, và điều quan trọng là liệu người dùng có chấp nhận được những hạn chế đó hay không.
Dù vậy, chúng tôi cho rằng Joy 2+ chỉ xứng đáng nếu người dùng có thể sở hữu nó với mức giá dưới 3 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng không nên bỏ ra 3.69 triệu đồng cho phiên bản RAM 3GB của Joy 2+. Khi vượt mức 3 triệu đồng, chúng tôi tin rằng trên thị trường có nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn rất nhiều như Xiaomi Redmi 7, Xiaomi Redmi Note 8, Realme 5 hay ngay cả người anh em Vsmart Live. Đây đều là những sản phẩm vượt trội hoàn toàn so với Joy 2+ cả về thiết kế, cấu hình, camera và đặc biệt là màn hình.
Ưu điểm
- Thời lượng pin cực tốt
- Cổng USB-C
- Tặng kèm sạc nhanh trong hộp
- Chế độ hậu mãi đảm bảo
Nhược điểm
- Màn hình gặp tình trạng ghosting
- Dung lượng RAM ít hơn các sản phẩm cùng cấp
- Camera phụ thứ hai "vô dụng", ảnh xoá phông không đẹp
Post a Comment