Đánh giá OPPO Reno2 sau 1 tuần sử dụng: rất thuyết phục nhưng không phù hợp cho người 'thích cấu hình'
Dường như vòng đời ra mắt sản phẩm của các hãng smartphone đang ngày càng ngắn đi, trước đây ta phải đợi tới 1 năm để có một sản phẩm mới, vào năm ngoái thì con số này rút con còn nửa năm (6 tháng), và đến năm nay thì có lẽ là chỉ còn 4 tháng!
Tháng 4 năm nay OPPO ra mắt dòng sản phẩm Reno - đánh dấu sự 'thay máu' của mình, xâm nhập xâu hơn vào thị trường cao cấp và cận cao cấp. Nhưng 'vèo một cái' đến tháng 8, hãng đã ra mắt những phiên bản kế nhiệm, thật lạ lùng. Những người dùng phiên bản đầu tiên có lẽ dùng 'chưa ấm máy' đã thấy hãng ra mắt Reno2!
Phiên bản nâng cấp này có đủ khác biệt để người dùng Reno đầu tiên cảm thấy 'ghen tỵ' hay không, và liệu còn những yếu điểm tồn đọng nào mà hãng vẫn chưa giải quyết trong khoảng thời gian quá ngắn như vậy?
Thiết kế hài hòa giữa 'khác biệt' và 'tinh tế'
Điểm mà hãng chắc chắn chưa thể thay đổi được nhiều: Thiết kế. Ta vẫn có một chiếc máy bầu bĩnh, tròn chịa và với 2 mặt lưng kính (phía trước là Gorilla Glass 6 còn mặt sau là Gorilla Glass 5). Song đây đâu phải là một điểm yếu, khi Reno phiên bản đầu tiên đã có thiết kế rất tốt?
Cơ chế camera selfie 'vây cá mập' đã làm nên tên tuổi của OPPO Reno
Reno2 sẽ không còn là smartphone Reno nếu như không có hệ thống camera 'vây cá mập' quá khác biệt của nó. Thành phần này ngoài mang tính thẩm mỹ, còn tạo thêm diện tích để hãng có thể tích hợp thêm được một đèn flash ở mặt trước giúp máy không còn phải sử dụng màn hình để tạo sáng trong những điều kiện trời tối nữa.
Và tất nhiên rồi, hệ thống camera có động cơ là để 'nhường' toàn bộ mặt trước cho màn hình, giúp nó không có những điểm cắt dị biệt. Màn hình Reno2 có dạng AMOLED 6.5 inch (lớn hơn Reno 0.1 inch, gần như không đáng kể), độ phân giải 1080 x 2400. Hãng công bố đây là màn hình đầu tiên trên Thế giới nhận được chứng nhận bảo vệ mắt Full Care Display Certification của TÜV Rheinland.
Mình không thể xác thực được chứng nhận này, vì... dùng rất nhiều smartphone trong quá khứ và đến giờ vẫn chưa thấy giảm thị lực. Nhưng một điều có thể xác nhận đó là chất lượng của màn hình này không tệ chút nào. Tấm nền này cho màu sắc đậm đà, màu đen sâu, cân bằng trắng khá chuẩn (phiên bản Reno2 F mình được thử hơi ngả vàng), độ sáng đủ tốt để dùng ngoài trời.
Cảm biến vân tay của Reno2 có tốc độ rất nhanh
Nằm dưới màn hình này là một cảm biến vân tay. Đây là cảm biến dạng quang học, nên vẫn sẽ phải chiếu một luồng sáng lên tay người dùng khi hoạt động (hơi khó chịu khi dùng vào ban đêm), bù lại thì có tốc độ đọc rất nhanh, không thua kém gì cảm biến điện dung cả. Nếu hãng nói đây là cảm biến đã được sử dụng trong dòng OnePlus 7 cao cấp thì có lẽ mình cũng sẽ tin!
Điểm khác biệt lớn nhất, thứ mà những người sở hữu Reno2 có thể dùng để 'khoe' rằng nó không phải Reno thế hệ đầu nằm ở mặt lưng. Máy có nhiều phiên bản, nhưng phiên bản màu đen phát sáng (Luminous Black) mình có ở đây có lẽ là đẹp nhất. Mặt lưng kính đen bóng hoàn toàn, được trang trí một đường chỉ màu xanh dương nhỏ.
Đường này mỗi khi có ánh sáng chiếu vào thì sẽ phản quang lại, nhìn khá là giống có đèn LED ở dưới vậy. Sự kết hợp giữa đen đậm và xanh dương tạo cho Reno2 một vẻ đẹp khác lạ, tính tế và không bị 'lố'. Điều này chắc chắn không đúng với đa phần những smartphone đến từ các hãng Trung Quốc.
Nếu mặt lưng của Reno2 vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn về việc OPPO rất để ý tới vẻ ngoài của sản phẩm thì chắc chắn vỏ ốp được tặng kèm sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Ta có một ốp lưng được làm bằng da, với các đường khâu dập nổi khác biệt hoàn toàn so với những ốp lưng nhựa cứng trong suốt khác.
Ơn trời ta vẫn có cổng nhạc 3.5mm!
Cuối cùng ta sẽ đi đến cạnh dưới của máy, với cổng USB Type-C hỗ trợ sạc VOOC 3.0 ta sẽ thử nghiệm rõ hơn ở phần sau. Ngay bên cạnh đó ta có lỗ loa, với âm lượng lớn và cũng ít bị méo, nhưng với nhược điểm là nó là loa đơn, không thể cho chất lượng cao bằng hệ thống loa stereo được.
Nhược điểm này mau chóng được 'xoa dịu' bằng cổng nhạc 3.5mm, thứ mà mình và rất nhiều những người nghe nhạc bằng tai nghe có dây khác vẫn chưa sẵn sàng để từ bỏ!
Hệ thống camera 'chụp dễ đẹp'
Yếu điểm lớn nhất của hệ thống camera Reno thế hệ đầu tiên đó là thiếu tính đa dạng, và nó đã nhanh chóng được sửa chữa ở phiên bản Reno2 này. Ta có tới 4 camera sau, gồm camera chính 48MP, siêu rộng 8MP, zoom 2x 13MP và một cảm biến đen trắng.
Những tiêu cự của Reno2: Ultrawide, thông thường, zoom 2x và zoom 5x
Thêm camera siêu rộng là một trong những quyết định đúng đắn của OPPO, và theo cá nhân mình thì loại camera này hữu dụng hơn nhiều so với những loại camera zoom 'với xa' đến mức không cần thiết trên Reno 10x Zoom. Hãng cũng cho phép người dùng zoom tới 5x, 10x thậm chí 20x trên Reno2, nhưng sử dụng trên thực tế thì đây chỉ là zoom điện tử, sẽ 'dùng được' ở mức 5x trở lại.
Camera siêu rộng của Reno2 đánh giá chủ quan thì vẫn thua loại được tích hợp vào những dòng máy cao cấp hơn về độ nét, nhưng nếu đơn giản là chụp hình và đăng mạng thì sự khác biệt sẽ không quá lớn.
Thuật toán xử lý ảnh của Reno2 phải nói là không tệ chút nào: chuyển giữa các camera ít bị đổi màu, ảnh có tương phản vừa đủ và màu sắc đậm đà. Trong trường hợp đủ sáng, ta chỉ cần giơ máy lên, chọn tiêu cự và nhấn chụp thì đa phần những bức ảnh ta có về đều đẹp.
Màn đêm buông xuống, Reno2 vẫn không ngại ngần vì được trang bị khả năng chụp tối Dark Mode, chụp hình trong một thời gian dài hơn để thu nhận nhiều ánh sáng hơn. Điểm mình thích ở đây là Dark mode hoạt động được với camera góc rộng, giúp ta tạo được những bức hình kiến trúc vào buổi đêm 'hoành tráng' như thế này:
Một trong những bức hình tối đẹp nhất mình từng chụp trên smartphone!
Thêm một vài bức hình nữa được chụp từ OPPO Reno2:
Về khả năng quay phim, Reno2 có thể quay 4K/30fps ở tất cả các dải tiêu cự. Chất lượng video dừng lại ở mức ổn, màu sắc có vẻ nhạt hơn so với khi chụp hình nên cần phải chỉnh thêm trong phần mềm hậu kỳ. Điểm đáng nói ở đây là hệ thống chống rung rất hiệu quả, giúp ta quay video cầm tay nhưng không khác gì sử dụng gimbal cả:
Video ngắn thử nghiệm khả năng chống rung của Reno2
Pin sạc tuyệt vời, cấu hình thì không!
Thử nghiệm chất lượng pin của máy bởi GSMarena
Hệ thống camera không phải là nâng cấp duy nhất đáng chú ý của Reno2, sản phẩm này cũng được trang bị một viên pin lớn hơn so với phiên bản đầu tiên, 4000mAh so với 3765 mAh. Theo như đánh giá của trang GSMarena cũng như trải nghiệm thực tế của mình, Reno2 cho thời lượng sử dụng rất tốt, chỉ có những ngày nào liên tục chơi game nặng thì mới phải sạc lại trong ngày mà thôi.
Tốc độ sạc VOOC 3.0 trên Reno2:
- 15 phút sạc 25%
- 30 phút sạc 49%
- 1 tiếng sạc 83%
- 1 tiếng 20 phút thì đầy pin
Kết hợp với viên pin thời lượng sử dụng lâu cũng là công nghệ sạc VOOC 3.0 20W độc quyền của OPPO, với 30 phút sạc 50% pin và sau 1 tiếng 20 phút (80 phút) là đầy pin. 2 thứ này kết hợp lại cho ta một trải nghiệm pin sạc tuyệt vời, người dùng không còn gặp phải tình trạng 'dính lấy tường', đợi smartphone sạc xong để tiếp tục sử dụng.
Nhưng mình hài lòng với vấn đề pin sạc bao nhiêu thì lại cảm thấy "thiêu thiếu" ở mặt cấu hình bấy nhiêu. Reno2 chỉ được trang bị vi xử lý Snapdragon 730G (phiên bản G có xung cao hơn so với Snapdragon 730 thường 1 chút), hỗ trợ bởi 8GB RAM.
Điểm hiệu năng của Snapdragon 730G trong Reno2
Tất cả những tác vụ thông thường như lướt web, xem phim, sử dụng các phần mềm văn phòng bên ngoài đều được Reno2 thực hiện mượt mà. Giao diện ColorOS 6 không phải là giao diện nhanh nhất hiện nay, nhưng đủ 'gọn gàng' để tránh gặp hiện tượng 'đứng hình', chậm lại gây bực mình. Chính vì vậy, những ai mua Reno2 để sử dụng với những mục đích 'nhẹ nhàng' thì sẽ không thất vọng.
Ngược lại, khi ta chuyển qua các tác vụ nặng thì sẽ thấy được sự khác biệt với các smartphone cao cấp hơn. Ví dụ như game Liên Quân Garena, ta không thể chọn được lựa chọn màn hình HD, và nếu cố tình đặt mức độ đồ họa cao thì máy sẽ không giữ được frame-rate 60fps ổn định - một điều sẽ không bao giờ xảy ra với smartphone với Snapdragon 855.
Reno2 F (trên) và Reno2 (dưới)
Một chiếc smartphone dễ thích, nhưng không phải "đáng mua" nếu chỉ xem trên giấy
Mình rất thích Reno2, đơn giản vì chiếc smartphone này đem lại rất nhiều những điều 'đáng để thích': màn hình AMOLED toàn vẹn, chất lượng cao; camera selfie vây cá mập không những đẹp mà còn hữu dụng, hoàn thiện mặt lưng sang trọng, hệ thống camera sau 'chụp dễ đẹp'.
Nếu như bạn được trải nghiệm thực tế, chắc chắn là bạn cũng sẽ thích chiếc smartphone này. Nhưng nếu như so sánh trên mạng thông qua những bài so cấu hình và thấy nó chỉ sử dụng vi xử lý tầm trung ở mức giá 15 triệu Đồng, nhiều bạn sẽ có tâm lý loại nó 'ngay từ vòng gửi xe' để chọn những dòng smartphone mạnh mẽ hơn mà có giá còn rẻ hơn. Đây có lẽ là điểm mà OPPO cần phải lưu ý. Có lẽ việc đầu tư mạnh vào thiết kế và camera đã khiến giá thành đội lên, do đó hãng không dám "bạo chi" mà mang chipset cao cấp nhất lên đây chăng?
Liệu rằng hãng có ra mắt phiên bản Reno2 10x hay Reno3 với cấu hình cao cấp hơn trong 4 tháng tới? Mong là như vậy.
Post a Comment