Từ iPhone 7, Pixel 2 đến iPad Pro 2018: đã đến lúc nói lời chia tay tai nghe có dây
Nếu phải chọn ra một đặc điểm đáng chú ý nhất của chiếc iPad Pro mới ra mắt tuần trước thì đó có lẽ sẽ không phải là thiết kế "cắt cạnh" hay các lớp viền siêu mỏng mà phải là cái chết của cổng tai nghe. Đúng vậy, trên thiết bị iOS có kích cỡ lớn nhất, Apple vẫn thẳng thừng loại bỏ cổng kết nối đã từng khiến iPhone 7 trở thành một sản phẩm gây tranh cãi.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của một fan Apple sử dụng tai nghe có dây và bạn sẽ hiểu tình cảnh hiện tại khốn khổ đến mức nào. Nếu muốn dùng tai nghe kết nối 3.5 với iPhone và iPad Pro, bạn sẽ cần 2 dongle khác nhau! Nếu iPhone của bạn là iPhone XS, bạn sẽ phải mua cả 2 dongle này vì Apple nay đã không còn bán kèm dongle trong hộp của iPhone XS nữa.
Nếu dùng iPhone VÀ iPad Pro 2018, bạn sẽ phải mua những phụ kiện lố bịch như thế này đây.
Đáng tiếc rằng ở phía ngược lại, tình cảnh cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Theo chân Apple, một loạt các nhà sản xuất cũng đã khai tử cổng 3.5mm trên smartphone của mình. Suốt 2 năm qua, người dùng Android mua Pixel, Xiaomi hay OnePlus sẽ phải "mò" Amazon, mua và thử từng dongle mới biết liệu họ có thể dùng tai nghe có dây với smartphone của mình hay không.
Nực cười nhất, người dùng Pixel 2 và Pixel 3 hiện tại gần như không có cách nào để vừa cắm sạc vừa nghe tai nghe. Cách đây nửa năm, Google đã ngừng bán phụ kiện này trên trang chủ. Cuối cùng, dù là ông chủ của Android nhưng chính smartphone Android do Google sản xuất lại không thể thực hiện một tính năng cực kỳ đơn giản mà điện thoại Apple (và dĩ nhiên là Samsung) vẫn làm được.
Không ngừng thay đổi
Nhưng nếu nhìn dọc lịch sử của chiếc smartphone và rộng hơn là những chiếc điện thoại di động nói chung, bạn sẽ thấy số phận của cổng tai nghe 3.5mm không hề êm ả một chút nào. Ví dụ, 4 mẫu smartphone đầu tiên của HTC – thương hiệu đã cùng Google "khai sinh" Android – đều không có cổng tai nghe. Ban đầu, HTC ưu ái dùng chuẩn extUSB. Cũng giống như những chiếc iPhone của hiện tại, chiếc smartphone Android đầu tiên (HTC Dream) chỉ có thể phát tín hiệu âm thanh analog qua... dongle.
Ít người nhớ rằng Android đã ra đời trong trạng thái... cần có dongle.
Hẳn nhiên, các fan của điện thoại Walkman do Sony Ericsson sản xuất cũng không thể quên được "cục chuyển đổi" to gấp 3, 4 lần dongle trên iPhone hiện tại. Ngay cả những chiếc điện thoại đã từng làm nên tên tuổi cho Sony Ericsson như W700 hay W800 cũng đều phải phát tín hiệu analog qua cổng chuyển; mãi đến các thế hệ cuối cùng (ví dụ như W995) Sony Ericsson mới chịu lắp cổng 3.5mm trực tiếp.
Cùng thời với Sony Ericsson, điện thoại Nokia nếu có phát được tín hiệu cho tai nghe thì cũng thường dùng cổng 2.5mm chứ không phải là 3.5mm. Trên chiếc "modern smartphone", thương hiệu đầu tiên loại bỏ cổng tai nghe không phải là Apple mà là OPPO, một thương hiệu tầm trung/giá rẻ. Trong cùng một năm với iPhone 7, LeEco và Motorola (thuộc Lenovo) cũng đi trước trong việc dùng cổng USB-C để phát luôn tín hiệu analog cho tai nghe (dù nói công bằng thì khi 2 hãng smartphone Trung Quốc này ra mắt sản phẩm, việc iPhone 7 không có cổng tai nghe đã được các tin đồn "xác nhận" quá rõ ràng).
Chuyện ngược đời: Kể tên các hãng smartphone CÓ cổng tai nghe còn dễ hơn kể tên các hãng KHÔNG có cổng tai nghe.
Đến giờ, 2 năm sau khi iPhone 7 ra mắt, danh sách các nhà sản xuất Android loại bỏ cổng tai nghe đã quá dài... Thậm chí, số lượng các thương hiệu đã bỏ cổng tai nghe còn nhiều gấp vài lần số lượng các thương hiệu vẫn còn gắn bó với cổng thiết kế quen thuộc này.
Sự kiện iPad Pro mới đây còn hé lộ một kịch bản đáng lo ngại hơn nữa: Apple hoàn toàn có thể sẽ khai tử Lightning và chuyển sang sử dụng duy nhất USB-C cho tất cả các thiết bị di động của mình trong tương lai. Nếu điều này thực sự xảy ra, tất cả các phụ kiện Lightning đều sẽ trở nên... vô dụng. Thậm chí, các phụ kiện đắt tiền từ các hãng audiophile như Audeze cũng sẽ không sử dụng được cùng iPhone 2019 hay iPhone 2020.
Không có gì đảm bảo
Các iFan có lẽ không chào đón iPhone dùng USB-C thay cho Lightning. Bởi ngay hiện tại, USB-C đã kịp mang đến cho người dùng Android một vấn đề vô cùng ngớ ngẩn: dù cùng là một "chuẩn" nhưng phụ kiện USB-C không được đảm bảo sẽ tương thích với điện thoại của tất cả các hãng. Ví dụ, người dùng Pixel 2 và 3 sẽ không thể dùng adapter vừa sạc vừa nghe từ Sony.
Bạn dám đảm bảo USB-C sẽ là đích đến cuối cùng của các nhà sản xuất smartphone?
Nhìn xa về tương lai, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng sẽ có lúc USB-C bị thay thế bởi một tiêu chuẩn tân tiến hơn. Rõ ràng, tai nghe có dây (dù là dây 3.5mm hay dây USB-C/Lightning) sẽ không bao giờ được đảm bảo sẽ tương thích với các thiết bị của tương lai.
Chính bởi thế, tai nghe Bluetooth hóa ra lại trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn. Cổng 3.5mm hay Lightning có thể bị đe dọa, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện một nhà sản xuất "dám" loại bỏ Bluetooth khỏi smartphone của mình. Kết nối không dây này cũng đã phổ biến từ trước cả khi Steve Jobs vén màn chiếc iPhone đầu tiên.
Nói cách khác, về mặt lý thuyết, tai nghe Bluetooth mua năm 2009 vẫn có thể kết nối dễ dàng với bất kỳ mẫu smartphone nào của năm 2019. Bạn không thể nói điều tương tự về tai nghe có dây.
Tiện dụng > Chất âm
Trở ngại cuối cùng chỉ còn là chất lượng âm thanh. Nhưng may mắn thay, thành công của AirPods nói riêng và doanh số ngày một gia tăng của tai nghe Bluetooth nói chung cho thấy chất lượng âm thanh không phải là yếu tố quyết định đến thành bại của một chiếc smartphone bán trên toàn cầu. Với rất nhiều người dùng, thiết bị phát được tín hiệu không quá lỗi là đủ.
Và với số ít còn lại, các đột phá công nghệ (như AptX) cũng như sự ưu ái ngày một rõ rệt của các thương hiệu âm thanh chắc chắn sẽ giúp khoảng cách về chất lượng âm thanh được thu hẹp. Có thể là khoảng cách này sẽ không bao giờ được san phẳng, nhưng rõ ràng là người dùng vẫn luôn sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua sự tiện lợi chứ không phải là chất lượng âm thanh. Từ khi cổng tai nghe bắt đầu bị khai tử khỏi phần đông smartphone, khoản tiền người dùng bỏ ra để mua tai nghe cũng ngày một gia tăng: không phải là chất lượng âm thanh, Bluetooth mới là nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực này.
Tai nghe Bluetooth: Tiện dụng và không lo vấn đề cổng kết nối.
Đến sự kiện iPad Pro vừa qua, tai nghe Bluetooth lại được chứng minh thêm một lợi ích nữa so với tai nghe có dây: trong lúc các nhà sản xuất vẫn đang loay hoay với các cổng kết nối, người dùng vẫn chẳng cần phải mảy mai lo lắng về tính tương thích của Bluetooth. Nếu giả sử rằng đến năm 2019 Apple sẽ đổi sang dùng USB thì chỉ trong vòng 3 năm, người dùng iPhone và tai nghe 3.5mm đã phải dùng ít nhất là 2 loại dongle. Nhưng nếu họ mua một chiếc tai nghe Bluetooth từ năm 2016, họ có thể thản nhiên bỏ ngoài tai những tranh cãi về cái chết của cổng 3.5, về Lightning/USB-C hay bất cứ một kết nối nào mà Apple có thể mang lên iPhone hay iPad của tương lai.
Post a Comment