Nếu bạn chưa tin Xiaomi sẽ dần xa rời phân khúc giá rẻ, con số này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại

Suốt từ tháng 6 tới nay, giá cổ phiếu của Xiaomi là một câu chuyện buồn. Khi lên sàn ở mức trị giá không bằng một nửa so với kỳ vọng ban đầu, "Apple Trung Quốc" liên tiếp gây thất vọng sau 2 quý kinh doanh lỗ nặng. Tính đến trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh cho quý 3, cổ phiếu Xiaomi đã suy giảm tới 20% so với mốc lên sàn.

Trong ngày thứ hai đầu tuần này, đà trượt không phanh đó đã được đảo lộn một cách ngoạn mục. Kết thúc quý 3/2018, Xiaomi công bố có lợi nhuận kinh doanh lên tới mức 3,95 tỷ Nhân Dân Tệ, tức khoảng 515 triệu USD.

Thực sự có lợi nhuận

Nếu bạn chưa tin Xiaomi sẽ dần xa rời phân khúc giá rẻ, con số này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại - Ảnh 1.

Quý 3 chứng kiến Xiaomi lần đầu tiên có lợi nhuận thực sự.

Thoạt nhìn, thành công của Xiaomi là một hiện tượng vô lý: do sức ảnh hưởng quá lớn của iPhone (ra mắt và lên kệ trong tháng 9), người tiêu dùng thường dừng mua smartphone trong quý 3. Thống kê của IDC cho thấy lượng smartphone xuất xưởng trong quý 3 năm nay giảm 6% so với năm ngoái.

Xiaomi nằm ngoài xu thế này. Việc có lợi nhuận hoạt động cho thấy Tiểu Mễ đã thực sự thu lãi từ những chiếc smartphone, vốn đang chiếm đến 2/3 tổng doanh thu. Trong quý 1 và quý 2 (cũng là những quý đầu tiên công bố kết quả kinh doanh), Xiaomi đã liên tục chịu lỗ và sau đó dùng các khoản điều chỉnh cổ phiếu để tạo ra lãi ròng. Ngay cả việc tự xưng là công ty Internet cũng không thể trấn an các nhà đầu tư, và kết quả IPO thê thảm cũng như giá cổ phiếu lao dốc đã thể hiện rõ tâm lý này.

Nếu bạn chưa tin Xiaomi sẽ dần xa rời phân khúc giá rẻ, con số này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại - Ảnh 2.

Vừa có lợi nhuận, Xiaomi cũng khoe luôn ASP vừa tăng.

Thế rồi, Xiaomi lại bỗng dưng có lãi, thậm chí là lãi đáng kể trong quý 3. Chìa khóa ở đây không gì khác ngoài con số mang tên giá bán trung bình (ASP) đạt mức 1052 NDT, cao hơn hẳn so với mức 952 NDT của quý trước và mức 930 NDT của cùng kỳ năm ngoái. 

Tương lai buộc phải theo đuổi

Con số ASP tăng cho thấy nhóm người mua Xiaomi đang có sự dịch chuyển dần dần từ các mẫu Redmi giá rẻ sang các sản phẩm trung cấp/cận cao cấp như Mi 8 hay Poco F1. Xu thế này hoàn toàn trùng hợp với khoản lợi nhuận hoạt động bất ngờ trong quý 3: cứ cho rằng Xiaomi thực sự giữ lời hứa sẽ không bao giờ ăn lãi quá 5%, 5% trên Mi 8 sẽ đáng giá hơn nhiều so với 5% trên Redmi 6 hay Redmi Note 5.

Và không chỉ dừng lại ở lợi nhuận tức thời, việc bán ra một tỷ lệ lớn hơn các mẫu Mi 8 cũng có ý nghĩa tương lai vô cùng quan trọng với một công ty (tự xưng là) Internet như Xiaomi. Người dùng mua Mi 8 rõ ràng là có khả năng chi trả tốt hơn người dùng mua Redmi, và bởi thế cũng có khả năng đem đến nhiều doanh thu hơn cho MIUI cùng các sản phẩm dịch vụ phần mềm khác.

Nếu bạn chưa tin Xiaomi sẽ dần xa rời phân khúc giá rẻ, con số này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại - Ảnh 3.

"Chúng tôi sẽ không cố mù quáng theo đuổi con số lượng hàng xuất xưởng", Chew Shouzi (trái).

Xiaomi hiểu rõ chân lý rằng muốn có lãi, muốn trấn an các nhà đầu tư thì phải dịch chuyển dần lên cao cấp. Không chỉ "dám" công bố ASP, giám đốc tài chính của Xiaomi trong tuyên bố mới nhất còn khẳng định: "Tại Trung Quốc, mục tiêu chiến lược của chúng tôi trong năm 2018 là củng cố vị thế trong phân khúc cao cấp".

"Chúng tôi không cố mù quáng theo đuổi con số lượng hàng xuất xưởng", ông này khẳng định thêm.

Nỗ lực thực tế

Lời nói của giới lãnh đạo Xiaomi đang đi cùng với hành động. Sau 3 phiên bản đầu tiên (Mi 8, SE và Explorer Edition), Xiaomi còn ra mắt 2 phiên bản Fingerprint Edition và và Youth Edition. Như vậy, Mi 8 đã trở thành một nhóm sản phẩm đầu bảng chứ không còn là tên của 1 sản phẩm duy nhất nữa. 

Đồng thời, dòng sản phẩm Mix giờ đây có vẻ sẽ được phát hành 2 lần mỗi năm (thêm một đời S vào quý 1). Các thương hiệu con như Black Shark và Pocophone cũng ra đời nhằm đưa Xiaomi vào những mục tiêu chuyên biệt hơn. Mức giá của chúng thuộc về tầm trung, và rõ ràng là chiếc Poco F1 "giá hời" đã góp phần rất lớn đến thành công của Xiaomi trong quý 3, cả về lợi nhuận lẫn giá bán.

Nếu bạn chưa tin Xiaomi sẽ dần xa rời phân khúc giá rẻ, con số này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại - Ảnh 4.

Số lượng model cận cao cấp đang được gia tăng đáng kể.

Xiaomi rõ ràng là đang thay đổi. Và Xiaomi sẽ buộc phải thay đổi. Quý vừa rồi, doanh thu của hãng này ngay tại Trung Quốc đã suy giảm. Cả thị trường Trung Quốc đã sụt giảm – một điều mà trước đây chỉ 3 năm vẫn không ai nghĩ đến. Dù cho Xiaomi có đang làm ăn rất tốt tại Ấn Độ, thị trường này rồi cũng sẽ đến lúc phải bão hòa.

Từ giờ đến khi không còn chỗ để tăng trưởng doanh số, Xiaomi phải thay đổi. 2 quý đầu năm 2018 đã chứng minh rằng những chiếc smartphone giá rẻ thiếu sáng tạo (và nhái Apple) không phải là con đường đến lợi nhuận thực tế. Muốn tồn tại lâu dài, hoặc ít nhất là nếu muốn trở thành một công ty Internet, Xiaomi phải "nâng cấp" người dùng của mình trước đã.

Let's block ads! (Why?)

No comments