Bạn biết gì về kế hoạch bán smartphone và tablet cho quân đội Mỹ của Samsung

Theo đó, các viên chức quốc phòng Mỹ khi đến cơ quan làm việc trong tuần qua đã phát hiện ra rằng nhà cung cấp dịch vụ di động AT&T đã đặt rất nhiều quảng cáo tại ga metro của lầu Năm Góc. Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc, Samsung, đã tổ chức lễ khánh thành "Trung tâm giải pháp liên bang" tại số 700 Đại lộ Pennsylvania, nơi hãng thiết lập hẳn một trung tâm công nghệ cao để quảng bá cho khả năng ứng dụng trong quân sự của các smartphone, tablet và camera của mình.

Cả AT&T và Samsung đều đang theo đuổi hợp đồng "Next Generation Enterprise Networks" - một bản hợp đồng trị giá hàng tỷ USD nhằm hiện đại hóa phần cứng phục vụ quân đội.

Từ năm 2013 đến nay, công việc này chủ yếu do công ty thuộc liên bang là Hewlett Packard (HP) đảm nhận. HP nay là một phần của DXC Technologies. AT&T đang liên kết với DXC để lập lại một bản hợp đồng mới. Một công ty IT liên bang có tên là CSRA, nay là một phần của General Dynamics, cũng bày tỏ sự hứng thú với bản hợp đồng này. Và một nhóm gồm 4 công ty là Verizon, Leidos, Unisys và IBM đã tuyên bố họ sẽ phối hợp với nhau để giành được hợp đồng. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Eastern Market, một khu dân cư yên tĩnh dưới chân Capitol Hill, có vẻ là một nơi khá kỳ lạ để làm khởi điểm cho tham vọng kết thân với liên bang của Samsung. Các công ty muốn làm ăn với phía quân đội thường đặt văn phòng tại Crystal City hay Arlington của Virginia, nơi gần với Lầu Năm Góc hơn.

Bạn biết gì về kế hoạch bán smartphone và tablet cho quân đội Mỹ của Samsung - Ảnh 1.

Văn phòng của Samsung dưới chân Capitol Hill

Chris Balcik, Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh liên bang của Samsung, cho biết công ty của ông bắt đầu tìm kiếm các địa điểm để mở rộng sự hiện diện tại D.C. từ đầu năm ngoái, và họ muốn gần với các nhà làm luật Mỹ. Công ty đã tham gia nhiều hoạt động kinh doanh với quân đội Mỹ trong khoảng 5 năm, nhưng chưa đạt được hợp đồng dài hạn nào.

"Lý do chúng tôi ở đây là để gần hơn với tòa nhà đó" - ông nói, chỉ vào US Capitol đang hiện lên rõ nét khi nhìn từ tòa nhà 6 tầng của Samsung.

Văn phòng này có vẻ ngoài bóng loáng, đậm chất công nghệ cao thường thấy ở các cửa hàng của Apple, nhưng được tô điểm những chi tiết thể hiện tinh thần "ái quốc" như chiến dịch quảng cáo của hãng. Màn hình được đặt ở khắp nơi. Các viên chức mua sắm của chính phủ ngay từ khi bước ra khỏi thang máy đã được chào đón bằng hình ảnh một chiếc lá cờ Mỹ khổng lồ bay phấp phới đầy tự hào trên trần nhà, và một vài lá cờ khác nằm trên tường gần các ngã rẽ.

Nhìn về phía Capitol là một ma-nơ-canh kích cỡ bằng người thật, mặc quân phục rằn ri, chân phải đeo một chiếc tablet Samsung, và một màn hình smartphone ốp trong một lớp vỏ bụi bặm trên ngực. Balcik nói rằng smartphone có thể được cấu hình để tích hợp với các thông tin cảm biến và dữ liệu bản đồ, hoặc để chọn các mục tiêu cho các cuộc không kích và pháo cao xạ -- "ném kim loại vào mục tiêu", theo như lời Balcik nói.

"Mọi người vẫn thường xem smartphone như một món đồ chơi, nhưng chúng tôi thực sự có thể trang bị rất nhiều tính năng cho những thiết bị đó" - ông nói.

Đây là một phần trong một chiến dịch liên bang rộng lớn hơn nhiều của Samsung, một gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc muốn hợp tác với quân đội Mỹ thông qua công ty con tại Mỹ của hãng. Công ty đang phối hợp với một nhà tích hợp hệ thống liên bang giấu tên để giành bản hợp đồng NGEN.

Đối với phía Hải quân Mỹ, đây là một phần trong một nỗ lực tổng thể nhằm tích hợp công nghệ thương mại vào các hoạt động quân sự. Trong hơn một thế kỷ qua, tiềm lực công nghệ của quân đội Mỹ được phụ trách bởi các phòng thí nghiệm chính phủ chuyên biệt. Ví dụ, Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) chịu trách nhiệm tạo ra một trong những biến thể đầu tiên của Internet với tên gọi "Arpa-net".

Trong 20 năm qua, các công ty công nghệ tiêu dùng như Apple, Samsung và Huawei đã dẫn dắt một cuộc cách mạng công nghệ tiêu dùng, đưa smartphone và tablet đến tay hơn 2 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới, bao gồm người trưởng thành đang đi làm và cả trẻ em nữa.

Nhưng quân đội lại phải đối mặt với một rào cản đặc biệt khi cố ứng dụng những thiết bị đó vào các mục đích sử dụng riêng. Các món đồ công nghệ tiêu dùng có chức năng gửi dữ liệu ngược về các hãng sản xuất thiết bị hay các bên liên quan khác có thể là vấn đề nan giải đối với quân đội. Ví dụ, quân đội Mỹ đang đánh giá lại các quy định trong việc sử dụng FitBit sau khi các thiết bị này bị phát hiện tiết lộ dữ liệu địa điểm đóng quân lên mạng. Và các lãnh đạo quân đội Mỹ cũng quan ngại rằng các thiết bị với linh kiện ngoại nhập có thể gây ra những thảm họa về an ninh mạng; đó là lý do vì sao Lầu Năm Góc gần đây đã cấm mua sắm các điện thoại sản xuất bởi hãng điện tử Trung Quốc Huawei.

Balcik cho biết công ty của ông đang thêm vào những giải pháp đăng nhập độc nhất, vượt trên những phương thức bảo mật trên các điện thoại tiêu dùng của Samsung, với hi vọng giúp các binh sỹ thực hiện nhiệm vụ có thể vượt qua các nỗ lực do thám điện tử của kẻ thù.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Samsung là một phần của giải pháp, không phải một phần của vấn đề" - ông nói.

Tham khảo: WashingtonPost

Let's block ads! (Why?)

No comments