10 chiếc điện thoại Android kỳ quặc nhất mọi thời đại
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của Android, chúng ta hãy cùng điểm lại danh sách 10 chiếc điện thoại Android kỳ quặc nhất trong lịch sử, xếp theo thứ tự từ cũ nhất đến mới nhất.
1. Motorola Backflip
Vào thời điểm năm 2010, điện thoại với bàn phím trượt ra cực kỳ thịnh hành, nhưng Motorola quyết định chơi trội với chiếc Backflip. Đúng như tên gọi, chiếc điện thoại này lật ngược ra sau để lộ ra một bàn phím vật lý. Đây là một thiết kế cực kỳ ngớ ngần, chẳng thể lý giải được theo bất kỳ logic nào, và việc để bàn phím lộ thiên ra ngoài như Backflip sẽ khiến nó rất dễ bị hỏng.
Sự kỳ quặc của Motorola Backflip chưa dừng lại ở đó: mặt sau màn hình là một thứ được gọi là "backtrack" - về cơ bản là một bàn rê chuột như trên các laptop mà chúng ta vẫn biết, và backtrack này hoàn toàn vô dụng.
Về cấu hình, Backflip chẳng gây được ấn tượng mấy. Nó có vi xử lý 528MHz tương tự T-Mobile G1 của năm 2008, RAM 256MB, bộ nhớ trong 512MB. Màn hình máy có kích thước 3.1-inch, độ phân giải 320p, cùng camera 5MP; cả hai thứ này đều chẳng có gì ấn tượng!
Điểm duy nhất cứu rỗi được chiếc Backflip là phần mềm MotoBlur, tích hợp sẵn Facebook, MySpace, Twitter và Microsoft Exchange. Nhưng MotoBlur lại dựa trên một phiên bản Android đã lỗi thời vào lúc đó là Android 1.5 Cupcake nên chẳng có gì thú vị. Về tổng thể, Backflip đơn giản không phải là một chiếc điện thoại tốt, và đó là lý do tại sao nó bị đánh giá kém vào năm 2010.
2. Samsung Continuum
Nếu bạn nghĩ màn hình nhỏ của dòng LG V là một sáng tạo thú vị, hãy nghĩ lại. Samsung đã đưa ra ý tưởng tương tự trước đó những 5 năm, trên chiếc Continuum. Thú vị là thay vì đặt trên đỉnh như LG V, màn hình AMOLED 1.8-inch, độ phân giải 96x480 của Continuum lại đặt bên dưới màn hình chính và dãy nút điều hướng cảm ứng điện dung, khiến chiếc điện thoại hình hạt đậu này thậm chí còn trông kỳ quặc gấp nhiều lần.
Ở thời điểm năm 2010, cấu hình của Samsung Continuum thuộc hàng đỉnh, với vi xử lý Hummingbird 1GHz, RAM 336MB. Máy có màn hình AMOLED 3.4-inch độ phân giải 800x480, sáng và sắc nét, và màn hình nhỏ cũng được nhiều người yêu thích. Màn hình này có thể hiển thị các cập nhật từ Facebook, MySpace, Twitter, tin RSS, email, và các tin nhắn tức thời, nhưng mặc định lại hiển thị thông tin về thời tiết và thời gian. Continuum thậm chí còn có một "cảm biến nắm" để kích hoạt màn hình này từ trạng thái ngủ. Bạn có liên tưởng gì đến HTC Edge Sense không?
Điểm trừ lớn nhất của Continuum là phần mềm TouchWiz dựa trên Android 2.1 - cũ kỹ, đầy lỗi, và chứa hàng tá phần mềm rác. Nắp lưng máy bằng nhựa mỏng manh cũng không được nhiều người ưa thích.
3. Casio G'zOne Commando
Về cơ bản, mọi chiếc flagship ngày nay đều kháng nước, và một số thậm chí còn được chứng nhận MIL-STD 810G. Nhưng trước đây, mọi chuyện khá khác biệt. Ở thời điểm năm 2011, có nhiều điện thoại Android với thiết kế cồng kềnh, và chiếc G'zOne Commando với tên gọi đầy thú vị cùng phong cách thiết kế thú vị không kém là một trong số chúng.
Cấu hình của G'zOne Commando vừa ra mắt đã lỗi thời. Vi xử lý 800MHz cùng RAM 512MB quá tầm thường, màn hình LCD TFT 3.6-inch 480p dù rực rỡ nhưng lại không nhạy. Camera 5MP của nó chẳng làm nên trò trống gì, và phần mềm Android 2.2 Froyo lỗi thời được phủ giao diện của Casio thì đầy ứng dụng rác của Verizon, và cả Bing nữa.
Nhưng chiếc điện thoại này được thiết kế để bạn có thể quăng bất kỳ nơi nào bạn thích, và chứng nhận MIL-STD 810G của máy quả thực chính xác. Nó không có chứng chỉ IP, và nếu bạn nhúng điện thoại vào nước, bạn buộc phải đậy các cổng kết nối lại bằng nắp cao su. Lý do duy nhất bạn nên sắm G'zOne Commando là nếu bạn ưu tiên sự nồi đồng cối đá hơn tất cả mọi thứ khác.
4. Kyocera Echo
Khi chiếc điện thoại màn hình kép ZTE Axon M ra mắt vào cuối năm ngoái, người ta ngay lập tức nghĩ đến Kyocera Echo. Sử dụng một bản lề đặc biệt, chiếc Echo có thể biến hình từ kích cỡ 3.5-inch thành 4.7-inch, tất nhiên nó có một dải đen lớn phân cách giữa hai màn hình.
Máy có chipset Snapdragon 1.0GHz và RAM 512MB. Bộ nhớ lưu trữ của máy đạt mức 1GB, camera 5MP và chạy Android 2.2 Froyo. Để tận dụng màn hình kép, nó được trang bị một số tính năng đặc biệt, bao gồm "chế độ tablet" buộc các ứng dụng phải hoạt động trên cả hai màn hình, và khả năng đa nhiệm. Điểm trừ của máy là thời lượng pin: bởi hai màn hình sẽ tiêu thụ điện gấp đôi so với 1 màn hình, nên Kyocera có thêm một viên pin phụ 1.360mAh kèm một cục sạc trong hộp.
Chiếc máy này chưa bao giờ thành công về mặt thương mại, nhưng nó lại là một trong những nước đi táo bạo nhất mà một công ty công nghệ từng thực hiện, đặc biệt hơn khi công ty đó lại chẳng mấy nổi bật trong ngành công nghiệp smartphone.
5. LG Optimus Vu / Intuition
Cuối năm 2011, người dùng Android chứng kiến sự ra đời của một trong những dòng sản phẩm phablet cực kỳ nổi tiếng sau này: Samsung Galaxy Note màn hình 5.3-inch. LG lập tức phản ứng với chiếc Optimus Vu, còn được gọi là Intuition khi bán bởi nhà mạng Verizon. Trên tablet, màn hình tỉ lệ 4:3 không mấy xa lạ, nhưng trên một chiếc điện thoại màn hình 5-inch, có lẽ mọi chuyện lại khác.
Chiếc Optimus Vu có vi xử lý lõi kép Snapdragon S3 1.5GHz, RAM 1GB, bộ nhớ lưu trữ ấn tượng 32GB, camera sau 8MP, camera trước 1.3MP, cùng một cây bút cảm ứng khá nhàm chán. Nó được tung ra thị trường Hàn Quốc với Android Gingerbread, nhưng sau này khi xuất hiện ở thị trường Mỹ, hệ điều hành của máy đã được nâng cấp lên Android 4.0.4 Ice Cream Sandwich.
Chất lượng build và bút cảm ứng của Optimus Vu nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng người ta lại ghét mọi thứ khác trên chiếc máy này. Chất lượng cuộc gọi của máy khá kém, tốc độ dữ liệu chậm, không có đèn LED thông báo, màn hình xấu, không ngăn bàn tay đụng vào màn hình khi sử dụng bút (palm rejection), phần mềm tệ, thời lượng pin thấp... Chẳng mấy ngạc nhiên khi Galaxy Note vẫn chiếm vị trí độc tôn trên thị trường phablet cho đến lúc này, còn LG đành khai tử Optimus Vu chỉ sau 3 thế hệ (chiếc Vu 3 thậm chí còn không được bán ở Mỹ).
6. ASUS PadFone
Đừng nhầm với FonePad (chiếc điện thoại kích cỡ tablet của ASUS), dòng PadFone gồm một chiếc smartphone thông thường và một docking station dưới dạng tablet. FonePad đời đầu ra mắt năm 2012, tiếp theo là PadFone 2, PadFone Infinity và cuối cùng là PadFone X (thị trường Mỹ) cùng PadFone S (toàn thế giới). Một số mẫu máy còn đi kèm dock bàn phím và các phiên bản thu nhỏ nữa.
Chiếc ASUS PadFone 2012 có màn hình AMOLED 4.3-inch 540p, chip lõi kép Snapdragon S4 1.5GHz, RAM 1GB, bộ nhớ lưu trữ tối đa 32GB và khe cắm thẻ microSD mở rộng, camera sau 8MP, camera trước VGA, pin 1.520mAh. Chiếc dock được gọi là PadFone Station, về cơ bản chỉ là một màn hình gắn ngoài sử dụng công nghệ IPS 800p, kích cỡ 10.1-inch, được tích hợp loa, camera trước 1.3MP, và pin 3.300mAh. Máy chạy Android 4.0 ICS, khá mới ở thời điểm ra mắt.
Các mẫu PadFone sau này có 2 loại: màn hình 5-inch 1080p và màn hình 9-inch 1200p, vi xử lý 4 nhân Snapdragon 800 2.3GHz và RAM 2GB. Có lẽ vì doanh số không được như mong đợi nên PadFone đã bị khai tử.
7. Samsung W201x
Hầu hết mọi người đều đã ngừng sử dụng điện thoại nắp gập từ cả thập kỷ trước, nhưng Samsung nhận ra rằng một số người vẫn thích dáng điện thoại này. Vì lý do đó, hãng đã tạo ra chiếc điện thoại Android nắp gập cao cấp dành cho thị trường nước ngoài (chủ yếu là...Trung Quốc) từ năm 2013, đặt tên nó một cách sáng tạo với một ký tự "W" trước năm ra mắt. Có lẽ bạn không biết, nhưng đến thời điểm hiện nay, Samsung vẫn sản xuất chiếc điện thoại thú vị này, và đời thứ 6 của nó có tên là W2018!
Các điện thoại thuộc dòng W này có đến 2 màn hình: một màn hình bên ngoài cho phép bạn sử dụng như một chiếc điện thoại thông thường, và một màn hình bên trong. Chiếc W2012 có màn hình AMOLED kép, kích cỡ 3.7-inch, độ phân giải 480p, vi xử lý 4 nhân 1.4GHz, RAM 2GB, bộ nhớ lưu trữ 16GB với khe cắm thẻ microSD, camera sau 8MP, camera trước 1.9MP và pin 1.850mAh. Vào năm 2012, cấu hình này thuộc dạng khá tốt, nhưng mức giá của nó thì chẳng tốt cho lắm: 3.000 USD.
Chiếc W2018, được công bố vào tháng 12/2017, có cấu hình được xếp vào loại flagship bên trong một thiết kế cũ (hoặc cổ điển, tùy cách bạn nhìn nhận): màn hình AMOLED kép kích cỡ 4.2-inch, độ phân giải 1080p, vi xử lý Snapdragon 835, RAM 6GB, bộ nhớ trong 64/256GB, camera sau 12MP có khẩu thay đổi được như S9, camera trước 5MP, pin 2.300mAh. Máy còn có cổng USB-C, cảm biến vân tay và máy quét mống mắt (nhưng chỉ sử dụng được khi điện thoại đang mở ra). Mức giá của nó vẫn cao như thường lệ, khoảng 3.000 USD.
8. Yota YotaPhone
YotaPhone được sản xuất bởi nhà mạng Nga là Yota. Chiếc YotaPhone đời đầu ra mắt vào năm 2013, đến nay đã qua 3 đời với chiếc YotaPhone 3 vào tháng 9/2017.
YotaPhone 1 có màn hình LCD IPS 4.3-inch, độ phân giải 720p, vi xử lý lõi kép Snapdragon S4 Pro 1.7GHz, RAM 2GB, bộ nhớ lưu trữ 32GB, camera sau 13MP, camera trước 1MP, pin 1.800mAh. Ở mặt lưng máy là một màn hình khác, kích cỡ 4.3-inch, nhưng sử dụng công nghệ e-ink với độ phân giải 360p. Màn hình E-ink không sử dụng năng lượng khi ở chế độ tĩnh, rất thuận tiện nếu bạn đang cố tiết kiệm pin cho máy.
Đã 11 tháng trôi qua kể từ khi chiếc YotaPhone 3 (hình trên) ra mắt, và chúng ta vẫn chưa nghe thêm thông tin gì về YotaPhone 4. Hi vọng Yota không khai tử dòng sản phẩm này, khi mà nó mang đến một làn gió mới khá độc lạ cho thị trường smartphone.
9. Samsung Galaxy Round
Màn hình cong của Samsung đã cải tiến rất nhiều trong vài năm trở lại đây, khi mà nhiều người liên tục than phiền công nghệ palm rejection trên máy chưa đủ tốt để loại bỏ các cú chạm ngoài ý muốn lên hai bên màn hình. Nhưng trước khi chiếc Galaxy S6 Edge ra đời và khởi động trào lưu này, chúng ta có chiếc Galaxy Round - một chiếc điện thoại với màn hình hình cong thực sự.
Không như các flagship của Samsung hiện nay, màn hình Galaxy Round cong theo kiểu lõm xuống. Màn hình này cao nhất ở hai bên cạnh trái phải, không phải trên-dưới như LG G Flex ra mắt cùng thời điểm. Galaxy Round chỉ được bán tại Hàn Quốc, và nó có cấu hình tương tự Galaxy Note 3. Máy có màn hình AMOLED 5.7-inch 1080p, vi xử lý 4 nhân Snapdragon 800 2.3GHz, RAM 3GB, camera sau 13MP, camera trước 2MP, pin 2.800mAh tháo rời được. Nó thậm chí còn có mặt lưng da và cổng USB 3.0 phiền phức như Note 3.
Giống như bất kỳ chiếc điện thoại Samsung nào thời đó, Galaxy Round có một loạt tính năng đặc biệt. Nó có "hiệu ứng lăn", cho phép một màn hình hiển thị nhanh các thông tin như ngày, thời gian, thông báo, và mức pin.
10. OPPO N1
Vị trí cuối cùng trong danh sách thuộc về OPPO N1. Ra mắt vào năm 2013, đây là điện thoại đầu tiên có module camera chuyển động. Cơ chế này cho phép loại bỏ camera trước, nhưng thật sự mà nói, ý tưởng này có vẻ hơi xa rời thực tế. Dù vậy, đây vẫn là một chiếc điện thoại khá tốt.
OPPO N1 có màn hình LCD IPS 5.9-inch 1080p, vi xử lý 4 nhân Snapdragon 600 1.7GHz, RAM 2GB, bộ nhớ lưu trữ 32GB, camera duy nhất 13MP và pin 3.610mAh. Mặt lưng của máy có một touchpad (không tốt lắm) và bản thân máy được hoàn thiện tốt Máy xuất hiện tại Mỹ dưới dạng điện thoại CyanogenMod, nhưng giống như mọi điện thoại khác trong danh sách này, doanh số OPPO N1 không mấy khả quan. Một phần có lẽ vì nó không hỗ trợ LTE, và phần lớn mọi người thậm chí còn không biết có một chiếc máy như thế này tồn tại trên đời.
Năm 2014, OPPO tung ra phiên bản tiếp theo của N1 là N3, và cho đến nay, dòng sản phẩm này bặt vô âm tín. Nhưng với sự ra đời của OPPO Find X và VIVO Nex S, có lẽ thời đại của các smartphone với camera chuyển động lại sắp đến rồi.
Tham khảo: AndroidPolice
Post a Comment