Cà phê và Trà có thực sự làm cơ thể bạn mất nước

Trong những danh mục đồ uống “càng uống càng khát” lan truyền trên mạng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy trà và cà phê. Một lời khuyên phổ biến được đưa ra là không nên uống trà hoặc cà phê khi khát, bởi chúng sẽ “hút nước” từ cơ thể và khiến bạn càng khát hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sự thật không phải vậy. Cà phê hay trà không khiến bạn bị mất nước, chỉ trừ một trường hợp đặc biệt.
Có thực càng uống trà và cà phê, bạn sẽ càng khát vì mất nước?

Đúng là caffein được coi là một dạng thuốc lợi tiểu nhẹ, nghĩa là nó khiến thận của bạn làm việc tích cực hơn để thải nước và muối khỏi cơ thể. Nếu bạn đi tiểu thường xuyên, cũng logic khi nghĩ rằng cơ thể sẽ bị mất nước - tiến sĩ Daniel Vigil, giáo sư lâm sàng về y học gia đình tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California Los Angeles giải thích - nhưng câu chuyện không chỉ có vậy.
"Khi bạn uống một tách cà phê hoặc bạn một ly trà đá, bạn thực sự cũng đã uống một lượng nước vào cùng với lượng caffeine đó", Vigil nói. Mặc dù caffein là thuốc lợi tiểu nhẹ, theo Vigil, bạn sẽ không mất nhiều nước qua nước tiểu hơn là uống nước giải khát có chứa caffein. Cơ thể của bạn có thể hấp thụ được đúng lượng nước mà nó cần và bài tiết phần nước dư thừa, ông nói.
Trong một nghiên cứu so sánh giữa việc uống trà và uống nước, các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm: một nhóm chỉ uống trà trong 12 tiếng đồng hồ và một nhóm chỉ uống nước đun sôi. Các nhà nghiên cứu xác nhận không có sự khác biệt về mức độ hydrat hóa giữa hai nhóm.
Trong khi đó, những thử nghiệm trên cà phê thường cho kết quả trái ngược. Nghiên cứu cho thấy những người kiêng cà phê kéo dài khi uống cà phê trở lại có thể khiến lượng nước tiểu tăng thêm 41%. Nhưng hiệu ứng này bị dập tắt khi cơ thể thích nghi với caffeine trong vòng từ 4-5 ngày uống cà phê liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu kết luận uống cà phê thường xuyên không gây lợi tiểu và mất nước mạn tính.
Đọc thêm:
BẠN CÓ THỂ CHẾT VÌ MẤT NƯỚC

Khi lượng nước mất đi bằng 2% cân nặng của bạn, bạn sẽ thấy cơn khát xâm chiếm. Thận sẽ không đổ nước ào ạt vào bàng quang nữa. Nước tiểu bạn sẽ đậm màu. Mồ hôi toát chậm dần, nhiệt độ cơ thể tăng. Máu lúc này cũng trở nên đặc đơn và di chuyển chậm. Để duy trì nồng độ oxy tới các tế bào, tim của bạn phải làm việc vất vả hơn. Và vì thế, số nhịp tim sẽ tăng lên.
Khi lượng nước mất đi bằng 4% cân nặng của bạn, máu sẽ còn đặc hơn nữa. Lưu lượng máu giảm làm da co lại. Huyết áp sẽ giảm đến độ có thể ngất xỉu. Không có nước làm mát và không toát mồ hôi, cơ thể bạn sẽ nóng ran lên.
Khi lượng nước mất đi bằng 7% cân nặng của bạn, máu sẽ không còn đủ linh động để đi tới thận và ruột. Hậu quả, các cơ quan ấy lần lượt bị tổn thương, dẫn đến một loạt hiệu ứng domino kéo theo. Khi thận không lọc máu, chất thải tế bào sẽ nhanh chóng tích tụ và gây độc. Nói theo đúng nghĩa đen, bạn đang chết vì khát.
Khi lượng nước mất đi bằng 10% cân nặng của bạn, các nội tạng và chức năng bắt đầu sụp đổ. Bạn có thể chết vì suy gan. Nếu được cấp cứu kịp thời trong giai đoạn này, bạn có thể sẽ sống sót nhưng sẽ bị suy thận.
Nói tóm lại, trà và cà phê có tác dụng bù nước cho cơ thể, chứ không phải chúng khiến bạn bị mất nước. Do vậy, tiến sĩ Vigil nói rằng chúng có thể và nên được tính vào mục tiêu 8 cốc nước hàng ngày của bạn, mặc cho vấn đề uống bao nhiêu nước mỗi ngày vẫn còn gây tranh cãi.
Nếu bạn thấy mình bị nhức đầu hoặc các triệu chứng khác sau khi uống cà phê hay trà, Vigil cho rằng thủ phạm không phải vì cơ thể bạn mất nước. Bạn có thể chỉ nhạy cảm với caffein - hoặc bạn đang bị mất nước vì những lý do khác không liên quan gì đến thói quen uống trà hoặc cà phê của mình.
Một trường hợp duy nhất khiến cà phê làm bạn khát hơn, đó là khi bạn đã kiêng caffeine trong thời gian dài và đột nhiên uống lại. Trong hoàn cảnh này, caffeine khiến bạn đi tiểu nhiều hơn khoảng 40%, bởi vậy, bạn nên để ý bù nước.

No comments