Câu chuyện số 1


Tôi từng đọc một câu chuyện thế này!

Có một nhóm cựu sinh viên sau khi đã đạt được một số thành công trong sự nghiệp cùng nhau trở về gặp giáo sư đại học ngày trước của họ. Câu chuyện nhanh chóng trở thành những lời than phiền về sự căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Lúc đó, vị giáo sư đi vào bếp và quay ra với một cái ấm café lớn và một lô cốc – từ sứ, nhựa cho đến thủy tinh. Một số cái trông đơn giản, một số cái đắt tiền, một số cái nhìn rất đặc biệt – và ông bảo sinh viên tự đi rót café.
Khi tất cả các cựu sinh viên đã có một cốc café trong tay, vị giáo sư bảo: “Nếu để ý, các em sẽ thấy tất cả những cái cốc đẹp đã được lấy hết, chỉ còn lại mấy cái trông đơn giản và rẻ tiền. Việc các em chỉ muốn cái tốt nhất cho mình là lẽ thường, nhưng đó là nguồn gốc của các vấn đề và căng thẳng mà các em gặp phải”.
Và câu chuyện rút ra rằng, chiếc cốc bản thân nó không tăng thêm giá trị cho café. Trong phần lớn các trường hợp, nó chỉ đắt tiền hơn và trong một số trường hợp khác, nó làm chúng ta quên mất mình đang uống gì. Cái mà mọi người thực sự muốn là café, không phải là chiếc cốc, nhưng thường thì ai cũng tự chọn những chiếc cốc tốt nhất… và sau đó thì nhìn sang cốc của người khác. Bây giờ hãy nghĩ về điều này: Cuộc sống là café, còn công việc, tiền tài và vị trí xã hội là những chiếc cốc. Chúng chỉ là dụng cụ để chứa đựng cuộc sống, và hình thức của chiếc cốc không định nghĩa, cũng không thay đổi chất lượng cuộc sống mà chúng ta sống.
Đôi khi, do tập trung vào cái cốc, chúng ta đã quên việc thưởng thức café. Hãy thưởng thức café, không phải chiếc cốc. Những người hạnh phúc nhất không phải bao giờ cũng có những thứ tốt nhất. Họ chỉ tạo ra thứ tốt nhất cho mình. Do đó hãy sống đơn giản, yêu rộng lượng, quan tâm sâu sắc, nói chân thành.
Dĩ nhiên, đó chỉ là câu chuyện ngụ ngôn về cuộc sống, nhưng việc thực hiện được bài học đó hay không thì không phải ai cũng làm được.
Còn tôi, tôi muốn kể với bạn một câu chuyện khác, chuyện về những con người biết uống loại cà phê riêng của họ.
Tôi có một anh bạn, anh kể rằng lúc nhỏ anh bị tiêu chảy bố mẹ pha cho anh ly cà phê không đường bảo uống sẽ khỏi. Thế là anh nếm thử và nhăn mặt nhưng cũng cố nuốt vài ngụm cái thứ nước đen ngòm đắng ngắt ấy. Và từ đó về sau, anh đâm ra sợ cà phê, ngay cả với những ly cà phê sữa ngọt lịm, thơm nồng, béo ngậy cũng không dám động đến. Mãi đến năm hai đại học, một người bạn cùng phòng kí túc xá đã mua về một gói cà phê phin mời anh uống. Anh vẫn còn rất sợ cái thứ nước đen sánh kia. Nhưng dưới sự mời mọc chân tình của bạn, anh nhấp nhẹ một ngụm, thế rồi ngụm thứ hai, ngụm thứ ba… ly cà phê đã hết sạch. Từ đó, anh không chỉ không sợ nữa mà bất cứ khi nào bước vào quán, anh đều gọi duy một thứ: cà phê phin không đường không đá. Anh bảo, lúc đó mới cảm thấy sự thú vị của cà phê, từ từ cảm nhận cái vị đăng đắng râm ran nơi đầu lưỡi mới thấy cuộc sống bình yên, và khi ấy mới đủ thư thả để suy ngẫm mọi chuyện.
Thời gian thoi đưa, đến khi đi làm, công việc bận rộn, anh bỗng quên đi sở thích của mình, đi cùng đồng nghiệp, cùng đối tác hay có khi chỉ một mình, anh lại gọi ly cà phê sữa đá. Bởi anh giải thích, rằng mình chẳng còn tâm trí để vẩn vơ, để suy tư hay cho phép bản thân dừng lại. Nhưng tôi còn biết một bí mật khác, những bạn bè thân thiết của anh đều đã đi tứ xứ, giờ không còn cái không gian xưa, bạn bè xưa, anh sợ một mình lẩn quẩn với những ký ức được gọi tên là tri kỉ ngày trước nên cứ cố khỏa lấp đi.
Tôi cũng có một cô bạn, thời con gái xuân thì, không như những cô gái khác, cứ vào quán nước là cô luôn gọi cà phê rồi xin một chút muối, một chút đường pha vào. Cô bảo, nó rất có dư vị nên sẽ không trôi tuột trong cuống họng. Cô hay trầm tư nhìn ra ngoài những khung cửa sổ, có khi giấu mình cả ngày chỉ để ngồi vẩn vơ như thế. Tôi hay gọi cô là kẻ lãng mạn chui ra từ tiểu thuyết. Thế rồi cô lấy chồng, lúc vui miệng tôi hỏi cô về cái sở thích khi xưa, cô cười, giờ cũng chỉ cà phê sữa đá mà phải thật nhiều sữa.
Vẫn là cái vòng luẩn quẩn của thời gian, cuộc sống, công việc mai một đi những sở thích tưởng chừng như rất đỗi bình thường kia. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà họ đã để lại những dấu ấn rất riêng trong trí nhớ của mọi người. Điều đó lại làm tôi nhớ đến một cô bạn khác, một cô bạn sành điệu. Cô cũng có thói quen uống cà phê nhưng chính bản thân cô cũng chẳng biết mình từng thích loại nào, bởi với cô, cà phê không phải là để thưởng thức mà đó là thứ đồ uống để thể hiện. Có người nhận xét, cô là người rất biết cách ăn uống, nhưng có người độc miệng lại bảo, nếu nó biết bản thân thích loại cà phê nào thì đã chẳng thay người yêu như thay áo.

Cuộc sống là vậy, thời gian sẽ làm người ta thay đổi, nhưng tôi tin chắc rằng đâu đó trong thâm tâm họ sẽ luôn vướng vất cái dư vị của ly cà phê mà mình từng yêu thích. Và có thể một ngày nào đó, họ sẽ nổi loạn, muốn quay về cái cảm giác ngày xưa. Có thể lắm.

Tôi không dám so sánh ly cà phê như cuộc đời bởi nó lớn quá, mà tôi chỉ nghĩ có lẽ mỗi người cũng như một ly cà phê vậy. Do đó, mới có nhiều loại cà phê, có đắt có rẻ, nhưng chẳng thể phân biệt sang hèn. Hôm nay anh ngồi cà phê trong quán máy lạnh với đối tác, nhưng hôm sau có thể lại thấy anh ngồi bù khú với những người bạn thân trong công viên cà phê bệt, và điều duy nhất không đổi chính là hương vị cà phê anh chọn. Và tất nhiên, chỉ khi bên ly cà phê thân tình, câu chuyện của riêng anh mới được khẽ khàng thổ lộ.

 Sưu tầm

No comments